Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH), thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật và các giải pháp liên kết sản xuất, hỗ trợ nông dân... đã được đẩy mạnh áp dụng tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), mang lại hiệu quả rõ nét, nâng cao thu nhập cho người dân.


Những mô hình mới

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, ÐBSCL là vùng nông nghiệp chuyên môn hóa cao với ba nhóm sản phẩm chủ lực là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Các sản phẩm nông nghiệp của vùng đã được phân phối hầu khắp thị trường trong nước và xuất khẩu đến hơn 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện, sản phẩm nông nghiệp của vùng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhất là thị trường thế giới. Do đó, đòi hỏi quy mô sản xuất hàng hóa đủ lớn và chất lượng, giá thành sản phẩm bảo đảm được tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, gần đây những tác động của BÐKH đang trở thành thách thức lớn cho phát triển nông nghiệp vùng ÐBSCL.

Ðể ứng phó với BÐKH, một trong những giải pháp là đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn chất lượng. Trong các chuỗi giá trị đó, sự liên kết hiệu quả của các doanh nghiệp đầu ra và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng vai trò quyết định. Bên cạnh đó, tham gia vào chuỗi giá trị, các HTX nông nghiệp có cơ hội phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ thành viên.

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Ðồng Tháp) Lê Thanh Hiệp cho biết, sản xuất theo tập quán truyền thống như xạ dày, bón nhiều phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua HTX đã đẩy mạnh sản xuất theo mô hình mới mang lại hiệu quả cũng như giảm tác động của BÐKH. Theo đó, từ vụ hè thu năm 2013, HTX đã thực hiện thí điểm chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo có liên kết các doanh nghiệp với diện tích 200 ha.

Ðặc biệt, trong hai năm (2016 và 2017) HTX phối hợp Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện dự án sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á có diện tích 307 ha với 66 hộ tham gia. Sau triển khai, lợi nhuận tăng thêm của ruộng sản xuất trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình 1,5 triệu đồng/ha. Ðiều đáng nói là sau khi áp dụng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chất lượng lúa đều đạt tiêu chuẩn tốt. Ngoài ra, nông dân đã nâng cao nhận thức về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm bớt tác động xấu đến môi trường.

Giám đốc HTX Nông nghiệp rau, củ, quả Lộc Phát (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) Phạm Hồng Văn chia sẻ: "Hiện nay HTX có 18 thành viên, diện tích cây trồng 35 ha. Trước đây, đất sản xuất hầu hết là trồng mía, nhưng do giá thấp, thua lỗ nên phần lớn diện tích đã chuyển sang trồng các loại rau màu như đậu nành rau, khoai môn… cho hiệu quả kinh tế khá cao. Khi tham gia vào HTX, các thành viên ngoài được hỗ trợ 70% các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất thì một số cây trồng như đậu nành rau được HTX thu mua hết. Ðây được coi là hướng đi mới cho nông dân, hướng tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu thị trường". Tag: thiết bị sục khí

Hiện, hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ hai vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Trong đó, mô hình thích ứng tôm lúa có lợi nhuận ròng là 52,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hàng chục triệu đồng so với canh tác thuần lúa. Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trong đê mang lại thu nhập thêm 41,2 triệu đồng/ha so với chỉ trồng và bảo vệ rừng. Tại các địa phương như: An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo (sử dụng phân bón vi sinh, phân bón thông minh) trên quy mô hàng chục nghìn héc-ta đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm.

Bên cạnh đó, với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng BÐKH, nhiều HTX nông nghiệp vùng Ðồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đang hỗ trợ hiệu quả nông dân chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn, cây ăn trái; các mô hình HTX lúa - gạo - cơm lý tưởng ở Trà Vinh; mô hình làng thông minh ở Bạc Liêu... Ðây là các mô hình HTX ứng dụng công nghệ quan trắc mực nước, độ mặn, dinh dưỡng đất để cảnh báo và vận hành tự động hệ thống tưới tiêu; kết hợp sản xuất lúa gạo với chăn nuôi vịt và chế biến sản phẩm tại chỗ cung ứng ra thị trường.

Mở rộng liên kết theo chuỗi

Ðến hết năm 2018, toàn vùng ÐBSCL có hơn 1.800 HTX nông nghiệp. Trong đó, nhiều HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò của mình trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao và ứng phó với BÐKH. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ, hỗ trợ chuyển giao, sử dụng trong nuôi trồng nhiều loại cây, con thân thiện; tổ chức điều tiết kế hoạch sản xuất, hướng dẫn đào tạo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thu mua sản phẩm của thành viên và nông dân theo chuỗi giá trị. Tag: thiết bị nuôi tôm

Có thể nói, HTX nông nghiệp là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tham gia vào HTX, người dân sẽ được tập huấn nhằm áp dụng khoa học - công nghệ và cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BÐKH. Tuy nhiên, hiện nay một số HTX gặp khó khăn khi trình độ, năng lực cán bộ quản lý yếu trong tiếp cận thị trường; thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất ở nhiều vùng còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhất là trong điều kiện thích ứng cơ chế thị trường; các mô hình HTX thích ứng BÐKH đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về khoa học, kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng.

Ðể phát triển sản xuất thích ứng BÐKH, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương vùng ÐBSCL cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Ðồng thời, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các HTX; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thu những sáng kiến của người dân về ứng phó với BÐKH; bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng, lựa chọn và cung ứng vật tư, phân bón, cây con giống thích hợp; ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp thông tin về thị trường vật tư, nông sản và thông tin thời tiết, khí hậu, điều hành sản xuất; phát huy tốt vai trò của các HTX tham gia chuỗi và ứng phó với BÐKH.

Mặt khác, cần tổ chức quan trắc, đo đạc và thu thập dữ liệu về ngập nước, tình trạng xâm nhập mặn, dinh dưỡng đất, sâu, bệnh gây hại và vận hành hệ thống thủy lợi nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sản xuất; hỗ trợ thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá mô hình hiệu quả; tổ chức làm cầu nối để HTX và doanh nghiệp liên kết với nhau; phát triển các mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp theo các chuỗi giá trị nông sản chủ lực.

Nguồn: nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40880902-%C3%B0ay-manh-san-xuat-nong-nghiep-thich-ung-bien-doi-khi-hau.html