Từ nay đến sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, TPHCM tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn TP. Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM có buổi trao đổi với Báo SGGP về các hoạt động trọng tâm trong đợt kiểm tra và các vấn đề tồn tại hiện nay của công tác phòng chống tệ nạn xã hội.


Ông TRẦN NGỌC DU: TPHCM có 9.633 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng (thường gọi là cơ sở “nhạy cảm”), để phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm với 27.682 nhân viên, tiếp viên làm việc. Hàng năm, các đoàn, đội, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội kiểm tra trên 10.000 lượt cơ sở, phát hiện 6.000 lượt cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt là 35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, gần đây tình trạng vi phạm pháp luật tại các quán karaoke, vũ trường, quán bar có chiều hướng gia tăng. Một số nơi, vì lợi nhuận đã kinh doanh biến tướng, làm phát sinh các tệ nạn xã hội, không đảm bảo an toàn PCCC, gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Trước tình hình trên, từ nay đến ngày 28-2-2018, TPHCM có đợt tổng kiểm tra nhằm đưa các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm xảy ra ở các cơ sở như biến tướng hoặc lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí làm nơi ăn chơi sa đọa, sử dụng ma túy, môi giới mua, bán dâm. Tag: thi cong bar

Trong đó, Đoàn Kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TPHCM (Đoàn 2), tổ chức khảo sát, phối hợp với các đơn vị của Công an TPHCM và quận, huyện nắm tình hình các cơ sở karaoke, vũ trường, bar và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu phát sinh tệ nạn xã hội, biến tướng, trá hình ma túy, mại dâm, khiêu dâm, kích dục. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có phản ánh của báo chí, của người dân cũng được kiểm tra, xử lý. Dự kiến, chi cục và các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra ít nhất đối với 30 cơ sở.

Hiện nay có tình trạng nhiều cơ sở nhạy cảm sau khi bị kiểm tra, có vi phạm đã lập tức thay tên đổi chủ để né tránh đóng phạt và thậm chí tiếp tục hoạt động ngay tại địa chỉ vừa phát hiện vi phạm. Chẳng lẽ “bó tay” với chiêu “ve sầu thoát xác” của các cơ sở vi phạm, thưa ông?

Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo Luật Doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng: không yêu cầu xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh. Từ đó, có một số cơ sở khi bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, tệ nạn xã hội đã thay tên đổi chủ để không chấp hành quyết định xử phạt và né tránh tình tiết tăng nặng khi tái phạm. Điều này đã và đang gây bức xúc trong chính quyền địa phương và trong dư luận.

Trong đợt tổng kiểm tra này, UBND TPHCM có chỉ đạo, đối với các cơ sở đã bị lập biên bản, xử phạt vi phạm nhưng không chấp hành, không đóng phạt thì ngành thuế TPHCM sẽ cung cấp thông tin tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar có vi phạm pháp luật. Trên cơ sở này, đơn vị chức năng sẽ tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đặc biệt, TP yêu cầu Công an TPHCM tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tại các địa bàn trọng điểm. Qua đó, xác lập các chuyên án, điều tra, phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây cung cấp ma túy, môi giới mại dâm; truy quét các băng nhóm, tội phạm ẩn náu tại các vũ trường, quán bar hay karaoke.

Theo ông, bằng cách nào có thể kiểm soát, xử lý tình hình tệ nạn xã hội biến tướng, phức tạp như hiện nay?

Từ khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối tượng hoạt động bảo kê, chăn dắt và các tổ chức hoạt động mại dâm theo đường dây, ổ nhóm lợi dụng quy định “không đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm”, để mở rộng quy mô hoạt động mại dâm, đứng ra bảo kê, dụ dỗ, chăn dắt, gạ gẫm, cho vay nặng lãi, ép buộc người khác bán dâm. Tình hình mại dâm hiện nay có nhiều biến tướng, trá hình, phổ biến dưới nhiều hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ biến tướng, trá hình mại dâm và khiêu dâm, kích dục với sự tham gia của 3.500 tiếp viên.

“TP đã có văn bản gửi Chính phủ, trong đó kiến nghị Quốc hội, sửa đổi, bổ sung Điều 27, 28 của Luật Doanh nghiệp, về nội dung thẩm định, xác minh và lấy ý kiến của chính quyền địa phương đối với tình hình hoạt động của ngành nghề kinh doanh dịch vụ trước đây đã được cấp phép và đang hoạt động, tránh tình trạng cơ sở kinh doanh “ve sầu thoát xác”, né tránh việc đóng phạt” - ông Trần Ngọc Du.

Luật Hình sự chỉ quy định hành vi “Tội chứa mại dâm”, “Môi giới mại dâm”, song trong thực tế, có một số đối tượng hoạt động chăn dắt, bảo kê và chưa có chế tài với các đối tượng này. Pháp lệnh phòng, chống mại dâm từ năm 2003 đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung, đang lạc hậu với thực tế. Giờ đây, đối tượng hoạt động mại dâm không chỉ có nữ bán dâm cho nam, mà còn có nam bán dâm cho nữ, mại dâm đồng giới, mại dâm chuyển giới. Hình thức cũng biến tướng với nhiều hành vi khiêu dâm, kích dục khác nhau tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ mà không có biện pháp chế tài để xử lý. Tag: thi công karaoke

Những hoạt động này có xu hướng ngày một gia tăng, đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung để xử lý một cách thống nhất, đồng bộ và kiên quyết đối với các đối tượng hoạt động mại dâm. Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM. Quốc hội, Chính phủ cần sớm xem xét, có các chế định xử lý các đối tượng phạm tội “bảo kê mại dâm, chăn dắt mại dâm, cưỡng bức bán dâm, bóc lột tình dục”; sớm nghiên cứu, ban hành luật về phòng ngừa mại dâm để nâng cao tính pháp lý và hiệu quả thực thi pháp luật; có chế tài với nam giới bán dâm, đồng giới, khiêu dâm, kích dục…

MẠNH HÒA (thực hiện)

Nguồn: baomoi.com/quan-bar-vu-truong-vi-pham-roi-ve-sau-thoat-xac/c/23877771.epi