Ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về trình độ sản xuất, chế biến lẫn xuất khẩu nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn những khiếm khuyết cần khắc phục. Đây được xem là cái cớ để truyền thông quốc tế, nhất là ở thị trường Liên minh châu Âu (EU), gây “khó dễ”.


Vì sao “rào cản” truyền thông xuất hiện?

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc tập đoàn Thủy sản Việt Úc, cho rằng trong khoảng 20 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn chịu rất nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro truyền thông.

Theo ông, những tổ chức hay hiệp hội ở các nước phương Tây có trình độ phát triển cao, họ ra sức bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng ở nước họ. Vì vậy, khi có những hiệp định thương mại tự do, tức rào cản thuế quan bị dỡ bỏ, thì rào cản kỹ thuật được dựng lên nhiều hơn dưới những hình thức khác nhau, trong đó, có cả việc sử dụng truyền thông. Tag: bệnh thường gặp trên tôm thẻ

Những quốc gia có các tổ chức, hiệp hội đủ mạnh, chỉ cần 5-7 người, cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đến một ngành của một quốc gia nào đó. Cứ mỗi lần nước nhập khẩu xuất hiện rào cản từ những đợt truyền thông, lập tức giá cả biến động và họ sẽ được hưởng lợi hoặc việc xuất khẩu vào nước họ bị ảnh hưởng. “Họ có những lợi ích thiết thực như vậy, cho nên, sẽ tiếp tục làm và mình không ngăn cản được”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho rằng, trước mắt, tác động của truyền thông kiểu này đến việc xuất khẩu thủy sản vào EU có thể không quá lớn vì việc xuất khẩu vào những nước này đã tuân thủ các luật lệ, tiêu chuẩn. Chẳng hạn, về kháng sinh, tuân theo quy định của Hiệp hội Thú y toàn cầu, trong đó, Việt Nam và EU cũng là thành viên. Tuy nhiên, người tiêu dùng cuối cùng có khả năng sẽ bị dao động, ảnh hưởng tạm thời và nếu không kịp thời có giải pháp xử lý sẽ dẫn đến thị trường bị tổn thất nghiêm trọng. Tag: ky thuat nuoi tom su

Vẫn còn khiếm khuyết thật sự

Liên quan đến rào cản truyền thông, mà cụ thể là cáo buộc của Đan Mạch, rằng ngành tôm Việt Nam sử dụng lao động quá giờ, công nhân bị bệnh do hít thở khí độc nhiều giờ tại xưởng chế biến và sản phẩm tôm có hàm lượng thuốc kháng sinh, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX), cho biết STAPIMEX cũng bị lấy mẫu kiểm tra 2-3 lần nhưng kết quả không có kháng sinh nên được “buông ra”.

Tuy nhiên, theo ông Phẩm, một số doanh nghiệp khác của Việt Nam vướng kháng sinh thật sự. Kháng sinh là yếu tố luôn được thị trường nhập khẩu kiểm soát khắt khe, trong khi điều kiện vùng nuôi Việt Nam ở một góc độ nào đó vẫn còn nhỏ lẻ, cho nên, việc kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi không phải là câu chuyện một, hai ngày có thể giải quyết ngay được. “Do ở đâu đó từ vùng nuôi vẫn còn sử dụng kháng sinh và một số doanh nghiệp mua rẻ về chế biến đem bán nên vấn đề vướng kháng sinh vẫn có”, ông Phẩm giải thích.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh rằng ngành thủy sản Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. “Cách đây khoảng hai năm, vấn đề kháng sinh vẫn còn trầm trọng, nhưng giờ đã được giải quyết ổn rồi”, ông Hòe nói.

Còn liên quan đến cáo buộc môi trường làm việc không tốt dẫn đến bệnh tật, ông Phẩm đảm bảo chuyện này ở Việt Nam đã không còn. “Ở Việt Nam, điều kiện làm việc của các doanh nghiệp chế biến thủy sản so với các quốc gia khác là bằng hoặc tốt hơn nhiều chứ không thua”, ông Phẩm khẳng định và dẫn chứng, ở STAPIMEX hàng năm đều có kiểm định về chất lượng môi trường, về ánh sáng, các yếu tố liên quan đến nhà xưởng, điều kiện lao động...

Trong khi đó, đối với vấn đề lao động, ông Phẩm cho rằng phần lớn doanh nghiệp đều thực hiện đánh giá về xã hội và hiện nay đã rất tốt. “Trong quá trình cạnh tranh, người ta có nhiều chọn lựa nên nếu có lao động cưỡng bức, thậm chí lương thấp, là người ta có thể qua làm chỗ khác ngay”, ông Phẩm nói.

Theo ông Phẩm, việc nhà báo quốc tế phỏng vấn bên ngoài, nhiều khi hỏi một người nào đó, họ phát biểu một cách cảm tính, không được xác minh lại, nhưng vẫn đăng báo phục vụ mục đích của tổ chức đứng phía sau, thì đó là thông tin một chiều, không chính xác.

Làm gì để bảo vệ ngành thủy sản?

Trước các chiến dịch truyền thông kiểu này, ông Phẩm cho rằng VASEP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải hành động, thậm chí báo chí trong nước cũng cần hành động để bảo vệ ngành thủy sản.

Đối với vấn đề kháng sinh, theo ông Phẩm, sản xuất nhỏ lẻ là một nhược điểm, nhưng đây là vấn đề liên quan tới nông dân, tức đụng tới vấn đề nghèo đói. “Vậy giải quyết như thế nào?”, ông đặt câu hỏi và gợi ý, có thể tạo công việc khác cho những người nông dân nhỏ để tập trung đất đai, phục vụ sản xuất quy mô lớn, hiện đại theo đúng quy trình, không kháng sinh.

Trong khi đó, ông Tuấn kể, vào những dịp tiếp xúc các đoàn khách hay các tổ chức lớn từ châu Âu đến tham quan trang trại của Việt Úc tại Bạc Liêu, ông đều mang đề tài nêu trên ra để hỏi xem ý kiến của họ như thế nào. “Đưa câu chuyện đó ra hỏi thì cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Sau đó, tổng hợp lại và nghiền ngẫm, tôi thấy để giải quyết được vấn đề, thì bản thân ngành phải mạnh, nghĩa là những tổ chức, hiệp hội hoặc truyền thông của mình phải mạnh”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng đây là việc Việt Nam có thể chủ động và làm tốt được.

Tuy nhiên, theo ông, cái không may trong thời gian vừa qua là xu hướng truyền thông tiêu cực lại thu hút người đọc nhiều hơn, một xì căng đan nào đó hoặc hàng hóa bị kháng sinh sẽ thu hút người đọc rất lớn, cho nên, dẫn đến câu chuyện truyền thông trong nước “thổi phồng” theo hướng này. “Thật sự cũng có người dùng kháng sinh nhưng tỷ lệ đó rất thấp vì mình xuất khẩu tôm đến 3,85 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017 và vào được thị trường EU rất nhiều, nghĩa là sản phẩm của mình phải tốt”, ông ví dụ và cho rằng “Trận chiến đầu tiên mình phải thắng là truyền thông ngay từ trong nước mình”.

Một vấn đề khác nữa, theo ông Tuấn, đó là phải làm sao truyền thông ra bên ngoài; phải chấm dứt tình trạng mỗi ông làm một kiểu, không thành một thể thống nhất, không có chiến lược, chiến thuật ngành hàng bài bản để quảng bá... “Việc này, tôi thấy các nước làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Chẳng hạn, Thái Lan khi muốn quảng bá ngành du lịch, thì hiệp hội du lịch của họ dưới sự tài trợ của Chính phủ (Chính phủ không được trực tiếp thực hiện), đã đưa thông điệp ra bên ngoài một cách nhất quán, có chiến lược rõ ràng, đưa trên báo có uy tín...”, ông nhận xét và gợi ý đó là chiến lược ngành thủy sản Việt Nam cần phải làm.

Theo ông Tuấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là đơn vị chủ công, đủ mạnh để tạo lòng tin cho cộng đồng cùng tham gia và phải rất khéo léo thông qua hiệp hội nào đó để truyền thông ra bên ngoài. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi hiệp hội cũng phải đủ mạnh để tất cả đơn vị thành viên sẵn sàng đóng phí hàng năm cho hiệp hội làm đúng chức năng này.

Ông Tuấn tin rằng nếu có chiến lược ứng phó về mặt truyền thông như nêu trên thì sẽ giảm tổn hại cho ngành thủy sản rất nhiều. “Giống như ông kia nói qua, phải có người nói lại, thì người tiêu dùng mới có cơ sở phân định, chứ còn cứ để người ta nói một chiều thì không được”, ông Tuấn giải thích.

Ông Tuấn cũng lưu ý rằng, bài toán ứng phó với rào cản truyền thông từ bên ngoài là tương đối phức tạp và để giải quyết được, cần một lực lượng đủ mạnh. Trong đó, cần xác định ngành hàng chiến lược để có những giải pháp cụ thể.

Nguồn: thesaigontimes.vn/279609/rao-can-truyen-thong-trong-xuat-khau-thuy-san.html