Xu thế BĐS xanh dần chiếm thắng thế
Như một xu hướng tất yếu, các công trình xanh kết nối với thiên nhiên sẽ là diện mạo tương lai của các đô thị Việt Nam.

Điểm nhấn nổi bật trên thị trường bất động sản Việt Nam năm 2017 là sự bùng nổ của nhiều công trình thiết kế theo tiêu chuẩn xanh. Trào lưu này dự kiến sẽ nhân lên trong các năm tới khi ngày càng nhiều chủ đầu tư quan tâm hơn đến yếu tố sẻ chia tiện ích với cộng đồng xung quanh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
>>> Top dự án BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc giúp kích cầu ngành du lịch

Xanh hóa các tòa nhà

Đi tiên phong trong xu thế xây dựng các công trình xanh là phân khúc văn phòng. Cuối năm 2017, tòa nhà văn phòng hạng A là Deutsches Haus tại khu vực trung tâm TP.HCM chính thức khánh thành, cung cấp 25.303m2 diện tích sàn cho thuê với nhiều thiết kế hiện đạị, thông thoáng. Nhưng gây tiếng vang lớn nhất cho tòa nhà này lại nằm ở chỗ: đây là dự án đầu tiên tại TP.HCM đạt được chứng chỉ công trình xanh có mức độ cao nhất thế giới LEED Platinum (Mỹ).

Tiếp nối Deutsches Haus, dự kiến sẽ có khá nhiều tòa nhà văn phòng nhận được chứng chỉ xanh trong thời gian tới như tòa nhà văn phòng Etown Central (quận 4). “Trong 4 tòa nhà văn phòng dự kiến hoàn thành trong năm 2018, có tới 3 dự án theo đuổi các chứng chỉ công trình xanh. Đó là một tín hiệu rất tích cực”, bà Trang Bùi, Giám đốc bộ phận thị trường của Hãng tư vấn JLL Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

Một số chung cư cũng hòa nhịp vào trào lưu xanh như dự án Diamond Lotus Riverside của chủ đầu tư Phúc Khang. Mới đây, nhà đầu tư này còn hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi Corporation (Nhật) thành lập liên doanh phát triển dự án trị giá nửa tỉ USD để triển khai các dự án nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh của Mỹ. Theo Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), lũy kế đến hết năm 2017, thị trường Việt Nam có tổng cộng 87 dự án đăng ký theo đuổi chứng chỉ LEED, trong đó có 37 dự án đã được công nhận chính thức. Riêng năm 2017, Việt Nam có tới 18 dự án đạt chứng chỉ LEED, gấp gần 4 lần so với năm 2016.

Nếu tính luôn các chứng chỉ xanh khác đang có mặt trên thị trường như Lotus (Việt Nam), BCA Green Mark (Singapore), EDGE (World Bank), Việt Nam có hơn 40 công trình đạt được chứng chỉ xanh – một con số khá tích cực nếu so với chỉ 2 dự án đạt được vào năm 2011. Bên cạnh các dự án, một số kiến trúc sư người Việt cũng được quốc tế vinh danh cho những thiết kế độc đáo, thân thiện với môi trường như kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa. Xu thế phát triển mạnh mẽ các công trình xanh sẽ là điểm đáng chú ý nhất trên thị trường bất động sản – xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Những gam màu chưa tươi

Tại TP.HCM, hàng loạt dự án gắn với yếu tố sông nước được triển khai trong thời gian qua có thể kể đến như River City (quận 7), Saigon Royal, Icon 56, The Goldview (quận 4)… đang tạo ra một loạt dự án xanh quanh thành phố. Mặt khác, TP.HCM cũng đang chứng kiến quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh. Nhưng bên cạnh tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, quá trình này cũng mang đến những mặt trái đáng ngại như mật độ dân cư ngày càng cao, thực trạng ngột ngạt ở khu vực trung tâm, kẹt xe hay ô nhiễm ngày càng trầm trọng… Những hạn chế đó nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của đô thị, đe dọa đến không gian sinh sống người dân và môi trường làm việc của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì lẽ đó, sự tiên phong của một số doanh nghiệp theo đuổi xu thế xanh, với những thiết kế nhân văn, thân thiện với môi trường là một dấu hiệu tích cực. Dù vậy khi so với những công trình truyền thống, các dự án theo đuổi tiêu chuẩn xanh thông thường có điểm hạn chế lớn là chi phí xây dựng cao hơn khá nhiều.

Lý do là các công trình thuộc dạng này đòi hỏi các thiết kế phức tạp, uyển chuyển hơn để phù hợp với điều kiện nắng gió, với luồng không khí di chuyển. Dự án phải sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ mới nhất vào quản lý tòa nhà. Đó còn là những chi phí khác liên quan đến học hỏi, huấn luyện và vận hành theo các tiêu chuẩn khắt khe mà đối tác yêu cầu. “Với dự án Diamond Lotus Riverside, khi phát triển chúng tôi phải chi thêm một khoản chi phí khá lớn để vận hành theo tiêu chuẩn LEED”, ông Trương Anh Tú, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Phúc Khang, cho biết.

Mặt khác, chủ đầu tư phải dành phần lớn diện tích để phát triển mảng xanh, khiến cho không gian dùng cho mục đích thương mại bị giảm bớt và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận tổng thể – điều mà nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng dám hy sinh vào thời điểm này. Nhưng tương tự như chứng chỉ ISO trong ngành sản xuất, chứng chỉ công trình xanh được xem là lợi điểm vượt trội của dự án so với các đối thủ, là một bảo chứng về giá trị công trình mà từ đó, chủ đầu tư có thể tính toán nâng giá bán cao hơn so với mặt bằng chung khi hướng đến lớp khách hàng sẵn lòng chịu chi để sở hữu một không gian xanh và sạch hơn.

Cũng nhờ thiết kế thân thiện với môi trường, sử dụng điện – nước hiệu quả hơn, các công trình xanh có thể hạn chế bớt chi phí vận hành hằng năm mà nếu tính toán đầy đủ, có thể sẽ đủ bù đắp lại chi phí xây dựng ban đầu cho chủ đầu tư. Do chỉ mới manh nha ở Việt Nam vài năm gần đây nên các chứng chỉ công trình xanh vẫn còn gây nhiều hoài nghi từ phía công chúng.

Đó còn là thiếu vắng định hướng, cơ chế khuyến khích từ Chính phủ, xã hội cho các dự án phát triển theo xu thế xanh. “Bảo vệ quyền tác giả nên là ưu tiên trong chính sách và luật pháp. Gia tăng cơ chế bảo vệ quyền tác giả cho thiết kế, quá trình và kỹ thuật công trình xanh là chìa khóa để khuyến khích sự đầu tư và chuyển giao công nghệ”, Hãng tư vấn Baker McKenzie nhận định.

Mặt khác, thị trường tài chính Việt vẫn còn thiếu công cụ dành riêng cho các dự án theo xu thế xanh. Thế giới đã xuất hiện những công cụ tài chính riêng cho phân khúc này như green bond (trái phiếu xanh), climate bond (trái phiếu khí hậu)… Chúng là những mô hình tài chính được thiết kế khá hấp dẫn mà Việt Nam có thể nghiên cứu để ứng dụng.