Học nhạc để tạo cảm hứng cho BÉ nhé - Quận Bình Chánh Tp HCM
Ông bạn tôi là một nhạc công thổi kèn trong dàn nhạc giao hưởng, rảnh rỗi thì đi dạy kèm, tất nhiên là dạy thổi trumpet. Thứ nhạc cụ này, với ông, muốn theo học là phải đáp ứng lắm đòi hỏi… rắc rối.

"Nghệ thuật là gì?"- tranh minh họa của họa sĩ người Nga Denis Serkov
Đầu tiên là học trò phải có kèn, mà trumpet loại tốt không rẻ chút nào; thứ nữa là học trò phải có sức khỏe để đủ hơi mà thổi, nếu may mắn, học trò có cả độ nhạy của ba ngón tay (ngón trỏ, giữa, ngón đeo nhẫn của tay phải) và chút ít năng khiếu “dịch giọng khi nghe bản nhạc” nữa thì ông chẳng có gì phải phàn nàn. Xem thêm:

Mê thích và...
Trên thực tế, ông cũng có nhiều học trò hội đủ điều kiện theo học, vài ba đứa thiếu một điều kiện, nhưng ông vui vẻ và kiên nhẫn dạy. “Chủ yếu vì các cháu mê thích và cũng có khả năng học. Mà cứ mê thích thì khó khăn nào cũng vượt qua, kèn khó cỡ nào cũng chơi được” - ông hay đùa.
Cho đến khi ông gặp một thằng bé 10 tuổi. Mẹ nó tới lớp ông, xin cho con học. Cứ chiều tối, thằng bé rời khỏi lớp học bóng rổ thì mặc nguyên bộ đồ chơi bóng, nhễ nhại mồ hôi tới lớp ông. “Nó ngoan, chăm chỉ, và không có chút tài nào.
Nhưng quan trọng nhất là ngay từ buổi đầu tôi đã hiểu nó tới lớp học kèn... Chỉ vì mẹ nó muốn thế” - ông thở dài kể. Sau chừng vài tháng thầy trò vật lộn, ông khuyên mẹ thằng bé nên cho nó nghỉ món kèn trumpet này vì thằng bé hoàn toàn không mê thích chút nào, nó thường xuyên trải qua một tiếng đồng hồ của buổi học với sự chịu đựng ngoan ngoãn và lịch thiệp.
Ai dè, mẹ thằng nhỏ khăng khăng: “Thầy cứ cho cháu học. Cháu nhà em là học sinh xuất sắc tiếng Anh, ở trong đội tuyển bóng rổ của trường, cháu chỉ cần chơi được một nhạc cụ nữa”.
Bà mẹ cương quyết, ông thầy thâm tâm cũng muốn có học trò, nhưng dằng dai học trumpet gần hết năm như vậy thì ông đầu hàng. “Nó thực sự không thích thú gì nên không tiến bộ được. Tôi nhận học phí mà học trò không tiến được thì cũng ngại. Tôi khuyên nó dứt khoát nghỉ”.
Ít lâu sau, đi ngang qua lớp đàn guitar, ông lại thấy thằng bé trong lớp, vẫn bộ quần áo thể thao đẫm mồ hôi đó. Rồi bẵng đi nhiều năm, ông tình cờ gặp lại thằng bé, giờ đã học cấp III.
Thằng bé nói nó giờ là chủ tịch câu lạc bộ tiếng Anh ở trường, cuối tuần nó thường đến một nhóm chơi gấp origami và đã lên đến trình độ gấp origami động loại giỏi trong nhóm. Nó ngượng nghịu xin lỗi ông vì đã quên hết kèn trumpet, rồi nói thêm: “Con còn học cả guitar và piano nữa, nhưng giờ con cũng chịu chết, chẳng nhớ gì”.
Và đôi khi, chỉ cần nhìn thấy và dừng lại trước vài nét vẽ trong trang cuối cuốn vở của con bạn…, thay vì xăm xăm quả quyết dẫn con tới một lớp học đàn.
Thoát khỏi nỗi sợ hãi
Câu chuyện của ông thoạt tiên làm tôi buồn cười. Buồn cười vì cái trăn trở thật thà của ông, buồn cười vì hình ảnh thằng bé đầy mồ hôi sau giờ học bóng rổ, ngán ngẩm cầm cây trumpet hoặc ôm đàn guitar. Sau thì tôi nghĩ về bà mẹ. Bà chắc chắn là một người mẹ chu toàn, hiểu biết rằng một đứa trẻ cần được phát triển một cách toàn diện và âm nhạc thì luôn luôn tốt cho một đời sống tinh thần cân bằng, sáng tạo.
Bà không sai khi thử đưa con đi học nhạc. Bởi ở những bậc học thấp, học thể dục, nghệ thuật và luân lý có lẽ còn quan trọng hơn học kiến thức khoa học và kỹ năng. Và ngay cả việc học kiến thức và kỹ năng cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu được sống một cuộc sống tinh tế về sau - tức là có năng lực cảm nhận văn hóa và nghệ thuật, và nhu cầu làm điều đúng - tức là đạo đức, luân lý.
Có lẽ bà chỉ không để ý tới một “điều kiện đủ”: sở thích và năng lực của con mình, nhất là với một bộ môn nghệ thuật.
Bà không hề là thiểu số trong một tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông hơn trong xã hội, những người có đủ hiểu biết và điều kiện để cho con cái tiếp cận sớm với nghệ thuật, làm giàu cảm xúc và tinh thần.
Nhưng bà cũng giống nhiều bậc cha mẹ, thích thú với hình ảnh văn - võ song toàn có thể đạt tới của con mình mà lại không đánh giá đúng tầm quan trọng của niềm vui học thực sự, cũng như chưa hiểu hết hay khám phá được những tố chất và năng lực riêng của con mình.
Và quan trọng hơn, dường như bà chưa thấy được rằng để bồi đắp tâm hồn, phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật, hoặc khả năng sáng tạo nghệ thuật của một đứa trẻ, có rất nhiều con đường đa dạng, phong phú và thú vị dẫn lối.
Đó có thể là một con đường như Lori Garcia, một bà mẹ của hai cậu con trai, nhận ra khi bà thấy hai cậu bé trước khi có thể thể hiện bản thân bằng lời, đã là những nghệ sĩ bé nhỏ biết cách tạo ra những sáng tác đầy dấu ấn và độc đáo như chính tính cách riêng của từng bé.
Bà để ý tới những mẩu giấy nhỏ mà hai con mình vẽ nguệch ngoạc vài nét, một hình khối được khắc mờ trên mặt bàn học, và nhận ra một mẩu bút chì nhỏ trong tay các cậu bé có giá trị với chúng hơn cả 64 cây chì sáp rực rỡ xếp đầy một cái hộp.
Cũng bằng quan sát và cùng con tham gia một số hoạt động ở trường mầm non, bà nhận ra xúc cảm và sự kết nối đặc biệt của cậu con trai lớn với nghệ thuật. Trong khi tất cả các bạn học của bé vẽ hình ảnh gia đình với bố, mẹ và các con nắm tay nhau với nụ cười rộng mở - những bức tranh sẽ được triển lãm nhân ngày gia đình - con trai bà kỳ công vẽ một khu rừng rậm rạp.
“Khi tôi hỏi tại sao cháu không vẽ một bức tranh gia đình như các bạn, cháu nghiêm trang nói rằng mình đã làm thế: “Con đã biến chúng ta thành cây cối để chúng ta có thể to lớn và sống mãi mãi!”.
Con trai tôi là một người hướng nội, cháu đã phải vật lộn giữa những nhu cầu hằng ngày, những ước muốn và những nỗi sợ hãi; nghệ thuật đã cho cháu một tiếng nói để bày tỏ những chất chứa trong tim mình theo một cách có ý nghĩa đối với cháu” - bà kể lại trên Babble (một tạp chí online và mạng lưới blog nhắm tới những cha mẹ trẻ, có học và sống ở đô thị).
Chẳng bao lâu sau, vẽ đã trở thành điều lớn lao nhất với cậu bé. Cậu vẽ trong bữa ăn, lúc trên xe, khi đi mua sắm, và cả trước lúc đi ngủ. Cậu tự tin nghĩ một ngày nào đó, cậu sẽ trở thành một nghệ sĩ. Nhưng cậu không hề biết rằng cậu thực ra đã là một nghệ sĩ. Năng lực của cậu đã được mẹ cậu nhìn thấy từ rất sớm và giúp cậu bước lên con đường sáng tạo ấy một cách tự nhiên và tinh tế.
Christina Gherhart thì có câu chuyện khác. Bà là một nghệ sĩ múa và mẹ của một cô con gái. Con bé theo bà tới các buổi tập luyện và biểu diễn từ khi cháu mới vài tuổi. Christina chẳng mong gì hơn việc được bắt đầu dạy múa cho con bé từ sớm.
Nhưng bà không ép con khi con bé lắc đầu với múa và chỉ thích đắm chìm hàng giờ với việc tạo mẫu tóc cho những con búp bê của mình. “Giờ mà tôi muốn làm tóc ở tiệm của nó thì phải hẹn trước vài tuần để được xếp lịch” - bà cười khi kể lại với biên tập viên của trang Medium.
Pablo Picasso từng nói: “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào duy trì được con người nghệ sĩ ấy khi chúng lớn lên”.
Picasso hiểu được món quà quý giá của những biểu hiện sáng tạo cần được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, sự miễn cưỡng, những lời chỉ trích phê bình và nỗi tự nghi ngờ làm cho tê liệt. Và mỗi đứa trẻ có một năng lực sáng tạo riêng và một nỗi hứng thú riêng với từng bộ môn nghệ thuật.
Cha mẹ chỉ cần nhìn ra, khích lệ và trợ giúp các cháu theo đuổi. Giống như ta bắt đầu với một chấm nhỏ trên bản đồ: một truyện ngắn trong sổ tay văn học, một bức tranh có bố cục và màu sắc độc đáo, một điệu nhảy đam mê khéo léo, một nỗi hăm hở với một môn thể thao biểu diễn, một đôi tay nặn đất tự tin...
Tất cả đều có thể giúp chuyến đi của con bạn tới nghệ thuật trở nên kỳ thú, tự nhiên và hấp dẫn, như nó nên là thế. Trên con đường ấy, tất cả những chia sẻ và đồng hành khác cũng đều cần thiết và quý giá: những bài hát cùng nghe, những buổi hòa nhạc cùng tới, những lần đến bảo tàng mỹ thuật, những lễ hội và những sự kiện văn hóa cộng đồng, những cuốn nhập môn nghệ thuật cho trẻ em... ■