Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng cuối năm được đánh giá là khá khởi sắc bởi xu hướng biến động tích cực của thị trường cũng như sự xuất hiện của một số dự án đáng chú ý.
Xu hướng dịch chuyển của thị trường
BĐS Việt Nam đang chứng kiến sự tấn công ồ ạt của các đại gia vào phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Ước tính trong năm 2016, số lượng căn hộ du lịch tung ra thị trường lên tới 12.000 căn và biệt thự biển là 5.000 căn được bán từ hơn 40 dự án, chủ yếu tại 3 thành phố Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng. Nhà đầu tư vẫn rất “mặn mà” với dòng sản phẩm này nhưng lại có xu hướng mong chờ, tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ.



Bên cạnh đó, cũng vì nguồn cung khá lớn dẫn đến các thị trường này đang có dấu hiệu bão hòa, đồng thời có thể thấy quỹ đất dành cho các dự án nghỉ dưỡng tại đây đang dần bị thu hẹp, dẫn đến xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận là tất yếu.
Với những chính sách kinh tế - xã hội và định hướng phát triển gắn liền với tăng cường khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, du lịch của địa phương, các chuyên gia cho rằng Bình Định hội tụ đủ các điều kiện để trở thành một điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư. Và Quy Nhơn, giống như một làn gió mới hâm nóng thị trường, mang lại “cảm hứng” cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.



Tiềm năng chờ khai phá
Năm 2014, Bình Định vinh dự được Tạp chí Rough Guides– Anh Quốc bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á bởi hàng loạt cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ như Ghềnh Ráng, Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh, cồn cát Phương Mai, đầm Thị Nại… cùng nền văn hóa cổ Chăm pa đặc sắc.
Mặc dù mang tiềm năng lớn nhưng du lịch Quy Nhơn lại chưa phát triển xứng tầm. Theo Tổng cục thống kê Bình Định, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Quy Nhơn là 2,1 ngày/người trong khi tại Đà Nẵng là 4,5 ngày/người. Nguồn thu từ lưu trú chiếm 32% tổng doanh thu du lịch, dịch vụ ăn uống chiếm 41%, các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm là 11%, còn lại 16% dành cho dịch vụ vận chuyển lữ hành.