Có phải mẹ nào cũng cần dùng máy hút sữa không? Thực tế cho thấy nhiều bà mẹ không cần dùng máy hút sữa nhưng vẫn đảm bảo đủ sữa cho bé bú. Kể cả nếu cần phải vắt sữa, phương pháp vắt sữa bằng tay cũng có thể thay thế được máy hút sữa trong nhiều trường hợp.

Vậy những ai sẽ cần sử dụng máy hút sữa?

- Mẹ có bé không biết bú hoặc bú kém. Lúc này, sử dụng máy hút sữa là cách tốt nhất để duy trì nguồn sữa mẹ cho bé.
- Mẹ muốn kích sữa và tăng nguồn sữa. Trong trường hợp này, cũng không nhất thiết phải sử dụng máy hút sữa để kích sữa, nhưng mẹ sẽ kích sữa hiệu quả và thấy được kết quả nhanh hơn nếu có sử dụng máy hút sữa.
- Mẹ có kế hoạch trở lại làm việc và muốn trữ sữa cho bé.
- Mẹ đi đâu đó khoảng vài giờ và muốn có sữa mẹ cho bé ăn khi đến bữa.
Lựa chọn số 1 luôn là cho bé bú mẹ trực tiếp, thế nên không nhất thiết mẹ cần phải mua máy hút sữa khi chưa sinh. Mẹ có thể chờ đến sau khi bé sinh ra rồi hãy xem xét xem mình có thực sự cần đến máy hút sữa hay không. Hiện tại, mua máy hút sữa cũng khá đơn giản và phổ biến tại nhiều nơi nên mẹ cũng không cần phải lo lắng chuẩn bị trước.

Khi nào mẹ không nhất thiết phải sử dụng máy hút sữa?

Nếu mẹ lúc nào cũng ở cạnh bé (hoặc chỉ rời bé trong khoảng thời gian ngắn – vài giờ), thì có lẽ là mẹ không cần phải dùng máy hút sữa trong hầu hết các trường hợp, kể cả trong các trường hợp sau:
- Khi ngực căng tức: Nhiều người cho rằng máy hút sữa sẽ giúp giải quyết vấn đề căng tức sau khi sữa về. Điều này đúng, nhưng mẹ có cần sử dụng máy hút sữa hay không? Câu trả lời ở đây là “Không nhất thiết”, cho con bú thường xuyên có thể làm giảm tối đa sự cương sữa. Nếu mẹ sử dụng máy hút sữa khi ngực bị căng tức, cần chú ý rằng các cơ ở vú thường dễ bị tổn thương hơn khi bị căng tức, do đó, nên tránh hút quá lâu hoặc để lực hút quá mạnh. Nếu không sử dụng máy hút sữa, mẹ còn có thể vắt sữa bằng tay. Cách này ít làm tổn thương vú hơn mà cũng rất hiệu quả khi bị căng tức sữa.
- Khi mẹ bị ốm: Trong hầu hết các trường hợp bị ốm thông thường, mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé bú. Thậm chí nếu mẹ phải phẫu thuật, mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bú sau khi bị gây mê hoàn toàn, gây tê cục bộ, và hầu hết các thủ thuật y tế khác. Mẹ có thể trực tiếp tham khảo bác sĩ trong các trường hợp bị ốm để có thể chắc rằng mình vẫn có thể cho bé bú hay không,
- Khi mẹ phải dùng thuốc: Rất ít khi xảy ra trường hợp mẹ bắt buộc phải dùng thuốc chống chỉ định cho người đang cho con bú (do không có thuốc thay thế nào khác). Tuy nhiên, nếu gặp phải trường hợp này, mẹ có thể hoãn dùng thuốc một thời gian để chủ động chuẩn bị và vắt trữ sữa cho bé bú.