Nếp cái hoa vàng - một sản vật của Đông Anh, Hà Nội với hạt gạo no tròn, vị dẻo thơm đặc biệt hiếm vùng nào có đã được UBND TP Hà Nội cho phép sử dụng địa danh huyện để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2016. Nhưng đến nay, sản phẩm này vẫn đang chờ được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam “định danh” khiến tiếng tăm của hạt nếp cái hoa vàng vẫn chỉ quẩn quanh "chợ làng", mong “tiếng lành đồn xa”…

>>> bán đất đông anh

Dẻo thơm nếp cái hoa vàng

Nếp cái hoa vàng còn được gọi là nếp ả hay nếp hoa vàng, là giống lúa nếp truyền thống nổi tiếng tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Hạt nếp tròn, dẻo, thơm đặc biệt, dùng để gói bánh, làm tương, đồ xôi... Được gọi là nếp cái hoa vàng do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Có một điều lạ lùng là chỉ cách nhau một con mương nhưng không phải chân ruộng nào ở Đông Anh cũng cho hạt gạo nếp cái hoa vàng chất lượng giống nhau.

Nếp cái hoa vàng Đông Anh chỉ được trồng vào vụ mùa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, sản lượng không cao, chừng hơn tạ thóc mỗi sào, nên giá cao gấp đôi gạo nếp thường. Sản vật này của Đông Anh ngày càng được nhiều người biết đến vì chất lượng hơn hẳn các giống nếp khác bởi không chỉ người nông dân có kỹ thuật canh tác phù hợp mà chính thổ nhưỡng vùng đất này cũng góp phần làm nên loại gạo nếp đều hạt, không gẫy, tỷ lệ tấm thấp, hàm lượng protein và một số axít amin cao. Đặc biệt, cùng với bánh chưng, vào dịp tết, nhà nào ở Đông Anh cũng nấu rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng để thưởng thức, đãi khách và biếu người thân.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tĩnh ở xã Dục Tú mỗi tháng xuất xưởng hàng trăm lít rượu nếp cái hoa vàng. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết, mọi công đoạn chưng cất vẫn giống như các loại rượu gạo khác nhưng điều làm nên sự khác biệt của rượu nếp cái hoa vàng Đông Anh chính là nguyên liệu. Cũng ở Dục Tú còn có nghề làm tương khá nổi tiếng. Tương từ nếp cái hoa vàng thơm ngon, vị đượm nhưng khó làm và giá thành cao nên người trong làng chỉ làm để gia đình ăn hoặc làm quà biếu...
Chính danh để quảng bá

Chất lượng nếp cái hoa vàng Đông Anh dù nức tiếng lâu nay nhưng hiệu quả kinh tế chưa tương xứng so với tiềm năng. Do vậy, xây dựng thương hiệu là điều kiện bắt buộc để nếp cái hoa vàng Đông Anh ngày càng được biết đến nhiều hơn. Đặc biệt là việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền sẽ giúp cho làng nghề được pháp luật bảo vệ, đồng thời giữ được uy tín, thương hiệu truyền thống.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đánh giá, việc xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Nếp cái hoa vàng Đông Anh” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo ra bước phát triển bền vững, phát huy lợi thế của một đặc sản vốn có tiếng từ lâu đời và cũng phù hợp với chủ trương của HĐND, UBND thành phố và UBND huyện Đông Anh. Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể không chỉ nhằm bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển một sản phẩm truyền thống đặc trưng.

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, nhiều năm qua, UBND huyện Đông Anh đã chú trọng phát triển diện tích canh tác, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Anh”. Chị Nguyễn Tú Quyên, chuyên viên Phòng Kinh tế - UBND huyện Đông Anh cho biết, từ năm 2008 đến nay, diện tích nếp cái hoa vàng được mở rộng trên địa bàn 6 xã: Dục Tú, Liên Hà, Việt Hùng, Cổ Loa, Xuân Nộn và đặc biệt là Thụy Lâm có đến 460ha. Hiện tổng diện tích trồng nếp cái hoa vàng của huyện vào khoảng 800 ha, sản lượng hàng năm đạt 32.000 tấn - 40.000 tấn, hiệu quả kinh tế đạt mức 70 triệu đồng/ha. Với điều kiện đất đai thuận lợi, diện tích sản xuất nếp cái hoa vàng tại Đông Anh có thể mở rộng thêm về quy mô, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại lúa nếp khác nhau nên người tiêu dùng thường nhầm lẫn với nếp tại các khu vực khác, làm giảm uy tín của nếp cái hoa vàng Đông Anh. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường được xem là một giải pháp quan trọng để quảng bá sản phẩm.

Cũng theo chị Nguyễn Tú Quyên, hạn chế lớn nhất hiện nay là tập quán canh tác ruộng đất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ khó tạo vùng canh tác hàng hóa và đưa máy móc vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” là một chuỗi các công việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu phức tạp cũng là một trong những trở ngại lớn. Ngày 20-6-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 3244/QĐ-UBND cho phép sử dụng tên địa danh “Đông Anh” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” cho sản phẩm nếp cái hoa vàng của huyện. Sau đó, huyện đã chuyển hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” và đến nay vẫn đang trong giai đoạn “chờ được cấp”. Khi nhãn hiệu tập thể chưa chính thức được “định danh” thì việc phát triển mạng lưới sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm gặp không ít khó khăn.

Có thể thấy, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương luôn là nhiệm vụ được đặt ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có cũng như thúc đẩy nền kinh tế của các địa phương. Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện thực hóa mong mỏi này cũng không dễ, nhất là khi thủ tục thẩm tra, cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu còn khá rườm rà và thời gian chờ đợi kéo dài cả năm.

>>> Nhà đất đông anh