Về thăm đất phật - ghé thăm chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn chốn dừng chân cho sự yên bình. Ngôi chùa cổ có tuổi đời gần 200 năm, mặc dù được trùng tu nhiều lần nhưng nó vẫn giữ được những nét cổ kính, và điêu khắc xưa cũ. Cùng theo chân chúng tôi, ghé qua ngôi chùa và tìm hiểu.

Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn - vẻ đẹp 200 năm

Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn còn có cái tên khác là chùa Ngoài, nằm ở phía đông hòn Thủy Sơn thuộc quần thể khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, bên phải là Vọng Hải Đài, bên trái là hang Ngũ Cốc, cùng với Linh Ứng Bãi Bụt, Sơn Trà hợp thành ba ngôi chùa cùng tên Linh Ứng trứ danh khắp thành phố Đà Nẵng và cả nước. Nơi đây, còn là điểm đến du lịch hành hương có tiếng đối với du khách trong và ngoài nước.

Chùa nổi tiếng Đà Nẵng này cũng là một ngôi chùa cổ, có giá trị lịch sử cao. Vào đời Gia Long, chùa được xây và đặt tên Ứng Chân, năm Minh Mạng thứ 6 được xây thêm. Đến năm 1841, vua Thành Thái cho đổi tên là Linh Ứng tự. Chùa Linh Ứng kể từ Tổ khai sơn cho đến bây giờ đã truyền thừa qua mười đời trụ trì hoằng dương Phật pháp. Ngôi chùa này cũng đã trùng tu nhiều lần, tuy trùng tu nhiều lần nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những nét cổ kính và hài hòa với quan cảnh thiên nhiên.


Hệ thống tượng pháp chủ yếu bài trí ở chính điện chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn gồm: Ba pho tam thế Phật, Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Thích Ca Như Lai, Quán Thế Âm, Địa Tạng, Quan Âm Chuẩn Đề, 2 pho Hộ Pháp và Thập Bát La Hán. Những pho tượng đều được tạo tác một cách công phu, biểu thị sắc thái riêng nhưng bộc lộ rõ tính từ bi hỷ xả nhà Phật.

Xem thêm: Đặc sản Đà Nẵng
Hiện, trong chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn vẫn còn lưu giữ 2 hiện vật quý hiếm: hai biển vàng – một biển đề “Ngự chế ưng chơn tự Minh Mạng lục niên” (phong Quốc tự năm Minh Mạng thứ 6) và một biển đề “Cải Tử” nghĩa là đổi lại thành Linh Ứng tự dưới triều Thành Thái thứ 3. Sau ngôi chùa nổi tiếng miền Trung này có động Tàng Chơn, rộng 7m, dài 10m. Từ chùa Tam Thai theo hướng phía đông Thủy Sơn lên thẳng chùa, cuối đường là một tam quan lớn được trang trí khá đẹp. Qua tam quan là vào tới chính điện kiến trúc theo kiểu chữ nhất nằm ở chính giữa, bên phải là nhà tổ, nhà giảng đường, nhà khách, nhà thiền; bên trái là Quan Âm Các dựng trên hồ nước và tháp Bảo Đại đại sư. Trong khuôn viên chùa bài trí hòn non bộ, hoa, cây cảnh sinh động.